Trang chủ » tin-tuc » Chiêu trò của 'cò đất'

Chiêu trò của 'cò đất'

 


Khi thị trường bất động sản lắc lư, vài người bạn tôi bàn nhau hùn vốn về Việt Nam mua nhà. Do không có ý định tha hương cả đời, tôi cũng rất lay động.


Nhưng tôi không có kinh nghiệm mua bán bất động sản ở Việt Nam. Tôi thử tìm kiếm "sàn bất động sản" trên internet, kết quả trỏ về trang web, thậm chí là địa chỉ email liên lạc của các công ty môi giới bất động sản. Tôi liên lạc các công ty này để hỏi về các bất động sản mà họ đang có thông tin. Tuy nhiên, họ yêu cầu tôi đến công ty thì mới cung cấp, còn qua email, họ chỉ gửi thông tin của một số dự án khác, chưa hoàn thiện. Tôi đổi sang tìm kiếm "website bán nhà". Các kết quả hiện ra đều bị bộ lọc cảnh báo nguy hiểm, do trang web bị đánh giá là không đáng tin.


Khi cố truy cập, tôi nhận được thông tin tương đối sơ sài: không có địa chỉ, hiện trạng giao dịch, bố trí căn nhà, năm xây dựng... nhưng lại có một số ảnh chụp khá rõ nét. Sau khi lựa chọn một vài căn có giá phù hợp, tôi gọi cho một môi giới theo thông tin liên hệ. Người này nói căn đó đã có người mua, tuy nhiên có vài căn tương tự ở gần, cùng tầm giá. Khi tôi hỏi địa chỉ, môi giới không nói, chỉ bảo đến thì anh ta dẫn đi. Tôi nói không đến được, nhờ anh gửi đường dẫn trên website tới căn nhà nhưng anh thoái thác. Tôi liên lạc một vài môi giới khác, câu chuyện tương tự lặp lại.


Lúc này tôi mới ý thức được rằng thông tin tôi cần thì không có trên website, mà thông tin có trên đó tôi lại không cần, vì nó không có thật. Môi giới nhà đất không bán nhà, họ bán thông tin. Thị trường càng tù mù, thông tin càng có giá, và môi giới càng "đục nước béo cò". Thế nên, họ làm nó tù mù hơn, thật giả lẫn lộn, để dễ "lùa khách".


Ở Australia, khi muốn mua hoặc thuê nhà, tôi có thể truy cập vào một số website bất động sản để thấy chính xác địa chỉ căn nhà, phối cảnh và bản đồ sơ bộ các tầng. Nếu là nhà mới lên sàn giao dịch, môi giới sẽ đưa thông tin một vài ngày mở cửa căn nhà để mọi người đăng ký vào xem hiện trạng. Nếu muốn biết thêm về lịch sử mua bán, giá thuê những năm trước, năm xây dựng... tôi có thể tìm thấy trong hồ sơ trên mạng về ngôi nhà này. Một số website và dịch vụ ngân hàng còn giúp xác định giá thị trường và những sửa chữa lớn của căn nhà. Thậm chí, có website còn giúp người mua xác định những căn bị ngân hàng siết nợ, rắc rối tài chính, pháp lý... phải rao bán giá thấp.


Điều này đạt được không phải trong một sớm một chiều, mà là kết quả của quá trình phát triển gần 30 năm vì sự minh bạch của thị trường bất động sản, dưới sự hỗ trợ và điều tiết quyết liệt của chính phủ Australia. Chính phủ đã siết chặt quy định về môi giới bất động sản và cho phép công chúng truy cập vào hồ sơ căn nhà. Chỉ với một chi phí nhất định, người dân có thể nắm được lịch sử giao dịch, chỉ giới, bản thiết kế xây dựng, đường ống nước, hệ thống điện, các sửa chữa và lệ phí đã nộp. Có lẽ, điều duy nhất mà công chúng không biết là thông tin liên lạc của chủ nhà.


Người môi giới ở Australia chủ yếu thay mặt người bán để tiết kiệm thời gian cho chủ nhà. Ngoài ra, họ vẫn bán một loại thông tin khác, là thông tin của người mua. Môi giới có thể cho người bán biết giá trị của căn nhà, mà những nhà đầu tư trong tệp khách hàng của họ (như quỹ đầu tư, câu lạc bộ kinh doanh, cá nhân săn tìm nhà đất...) sẵn sàng xuống tiền. Họ cũng có thể tư vấn cho người bán những sửa chữa nhỏ giúp làm tăng giá trị căn nhà. Với một số căn có sự chênh lệch giữa thị giá và nguyện vọng của chủ, môi giới cũng có thể không rao giá mà chỉ đăng thông tin, nhằm tận dụng khả năng thuyết phục khách mua của mình. Người môi giới cũng mua một số gói rao và theo dõi trên các website mua bán nhà để biết được sự quan tâm của thị trường với căn nhà, dự án mà họ rao. Phí môi giới dao động từ 1% tới 4,5%, trung bình khoảng 2,7% giá trị giao dịch.


Nhiều công ty thực hiện chính sách không bán được thì không thu tiền. Tuy nhiên, chủ nhà không liên lạc một lúc đôi ba người môi giới. Do thông tin hoàn toàn minh bạch, người môi giới sẽ không nhận những căn nhà đang được rao bởi đồng nghiệp khác. Hồ sơ và đánh giá của người môi giới công khai và giúp chủ nhà chọn người phù hợp nhất. Người bán có thể tìm thấy lịch sử các giao dịch thành công của người môi giới và đánh giá của người bán trước, để biết kinh nghiệm của họ với loại hình tài sản của mình. Mặt khác, họ cũng biết các bất động sản mà người môi giới đang rao, tránh trường hợp bị kênh giá để người môi giới bán căn khác.


Tham vọng hình thành thói quen giao dịch bất động sản bắt buộc qua sàn, nhằm bạch hóa thông tin thị trường theo tôi là một định hướng đúng, dù khó thực hiện ngay trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một thứ có thể áp dụng ngay để giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà.


Người môi giới phải được quản lý theo hồ sơ gắn mã định danh, để mỗi giao dịch, rao bán đều được ghi lại. Hồ sơ về người môi giới cho biết các căn nhà đã bán và phản hồi của khách hàng (kể cả người bán lẫn người mua), khiếu kiện liên quan... Nếu khách hàng không hài lòng, họ có thể phản ánh tới cổng thông tin bằng mã số riêng của người môi giới, dù có giao dịch hay chưa. Điều này giúp người bán/mua nhà lựa chọn người có kinh nghiệm, đáng tin. Môi giới không thể dùng một mẹo lừa hết người này sang người khác. Ngược lại, người môi giới phải cố gắng giữ uy tín để có các khách hàng mới. Nói một cách ví von, hồ sơ như một tấm biển đeo trước ngực để phân biệt người tốt hay xấu. Tấm biển này có thể không chính xác hoàn toàn nhưng vẫn có giá trị tham khảo rất lớn.


Môi giới nhà đất là một công việc chính đáng, có nhu cầu lớn từ thị trường. Những người hoạt động trong lĩnh vực này cần được điều chỉnh bằng cơ chế pháp luật rõ ràng, được cung cấp giải pháp hành nghề chuyên nghiệp, tránh vàng thau lẫn lộn. Người môi giới tử tế, đúng nghĩa không bao giờ đáng bị gọi xếch mé là "cò đất".


Nguồn : vnexpress.net

Copyright © 2018 - All Rights Reserved.Rao vặt bất động sản Nhadatsaigon